Vinh danh làng nghề: xã Đại Thắng sôi nổi ngành nghề trong thời kỳ đổi mới

Về Đại Thắng hôm nay, ta thấy làng quê phong quang sạch đẹp với những con đường bê tông len lỏi khắp các ngõ xóm và chạy dài ra các cánh đồng lúa xanh, chạy liên thôn liên xã. Xe máy, xe ô tô ra vào nhộn nhịp. Bây giờ thu nhập và sống bằng nghề sản xuất tiểu- thủ công nghiệp chiếm tới 70%, còn lại 30% thu nhập từ nông nghiệp.

Đại Thắng là một xã thuộc vùng chiêm trũng huyện Phú Xuyên, Thủ đô Hà Nội. Phía bắc giáp xã Phượng Dực, phía nam giáp xã Tân Dân, phía đông giáp xã Văn Tự, phía tây giáp xã Văn Hoàng. Xã Đại Thắng có diện tích đất tự nhiên 409,37 ha, trong đó diện tích đất canh tác là 302,36 ha. Dân số có 7058 nhân khẩu, 1857 hộ.
Từ xa xưa, Đại Thắng là xã thuần nông, người dân sống về nghề làm ruộng là chính, chỉ có thôn Văn Hội có nghề truyền thống là nghề đan rọ cua, thôn Phú Đôi có nghề mua bán sách cũ. Nhưng từ khi đồng ruộng được cải tạo, hệ thống mương máng thuỷ lợi được xây dựng, trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu tốt cũng đồng thời nghề đan rọ cua không còn cơ hội tồn tại; nghề mua bán sách cũ cũng không còn. Để tăng thu nhập và tạo việc làm, một số hộ gia đình ở Văn Hội học được nghề cào bông, bật bông, làm chăn bông. Khi nghề phát triển, Văn Hội trở thành làng đầu tiên ở Đại Thắng được công nhận Làng nghề. Làng thứ hai được công nhận làng nghề vào năm 2004 là làng An Mỹ với nghề dệt lưới trã. Có những thời kỳ cao điểm, An Mỹ có tới hơn 200 máy dệt trã. Tiếng máy trã reo vui trong xóm ngoài làng, từ sáng sớm tới đêm khuya đã đem đến cho An Mỹ một diện mạo mới.
Ngành nghề ở Đại Thắng ngày càng phát triển và mở rộng, sản xuất được nhiều chủng loại sản phẩm khá phong phú. Từ đan lưới, bật bông, may vỏ chăn đến may màn tuyn xuất khẩu, ngành nghề ở xã Đại Thắng ngày càng phát triển và mở rộng khi xã xây dựng được đường giao thông liên xã Đại Thắng- Văn Hoàng. Xin điểm qua một số mô hình tiêu biểu. Trước hết phải nói đến nghề may màn tuyn xuất khảu là nghề thu hút nhiều lao động nhất. Tại Văn Hội, chị Nguyễn Thị Lân là người khá năng động trong việc tìm nghề phụ. Trước khi trở thành giám đốc công ty may màn tuyn xuất khẩu như bây giờ, chị đã trải qua nhiều nghề, từ đan lưới, bật bông, may vỏ chăn bông, dần dần đến năm 2005 chị mua thêm máy khâu, thuê thợ mở xưởng may, rồi chị ký được hợp đồng với Công ty May 10 may gia công màn tuyn xuất khẩu cho công ty này. Chị mở xưởng, tìm thợ, dạy nghề cho họ, thu hút được ngày càng đông chị em phụ nữ trong xã vào may cho chị. Đến nay Công ty mang tên Phú Lân của chị đã tổ chức sản xuất khép kín từ khâu cắt, may đến đóng gói sản phẩm. Công ty của chị hiện có đến 300 công nhân gồm người trong xã, ngoài xã và cả lao động ở tỉnh ngoài nữa. Ngoài ra xưởng của chị còn một số cơ sở may vệ tinh và một số cá nhân nhận tuyn về may tại nhà.
Cũng về nghề may màn tuyn, ngoài doanh nghiệp của chị Lân, tại thôn Văn Hội còn có một số xưởng nhỏ cũng may màn tuyn xuất khẩu như cơ sở của chị Nguyễn Thị Đà, cơ sở của anh Sơn, cơ sở của vợ chồng anh chị Tuyên- Phương…Tại thôn Phú Đôi cũng có một số xưởng may màn tuyn xuất khẩu, lớn nhất là xưởng may của anh chị Thiết- Ngô thu hút hàng trăm lao động có việc làm thường xuyên. Thôn Phú Đôi còn có xưởng may màn tuyn của anh chị Kính- Hương cũng vào loại lớn, cũng thu hút nhiều lao động. Ngoài những cơ sở may màn tuyn đã có “thâm niên”, có tiếng của chị Lân, Ngô- Thiết và Hương- Kính, còn có một số cơ sở nhỏ. Tại An Mỹ chưa có xưởng may màn tuyn lớn, nhưng cũng đã có tới 5 cơ sở may vệ tinh cho các cơ sở may lớn của chị Lân và Thiiết- Ngô. Tạ Xá cũng có một cơ sở may vệ tinh. Gần đây nhất, năm 2010, ở Phú Đôi xuất hiện thêm một cơ sở may màn tuyn của Lã Thị Dung- một cô chủ trẻ tuổi mà cũng đã xây dựng 2 xưởng may tổng diện tích 750m2, thu hút trên 40 lao động, có đủ thợ cắt, thợ may, thợ gấp, kiểm tra, đóng gói và có xe chuyên chở nhận nguyên vật liệu và giao hàng. Công ty Hồng Hải của anh Lã Văn Chiu chuyên sản xuất màn tuyn, chăn, ga, gối, đệm, gần đây có thêm mặt hàng mới là màn tự bung rất thuận lợi, gọn nhẹ cho việc sử dụng đã trở thành thương hiệu có uy tín. Từ năm 2014, sản phẩm dệt may của công ty Hồng Hải đã lọt vào tốp 300 thương hiệu hàng đầu Việt Nam do người tiêu dùng bình chọn, được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận.
Đấy là nói về may màn tuyn cũng đã thu hút hàng ngàn lao động có việc làm thường xuyên cho thu nhập ổn định. Về Đại Thắng bây giờ, ta thấy không khí làng nghề thật là sôi nổi với nhiều ngành gnhề khác nữa. Đường giao thông liên xã Đại Thắng- Văn Hoàng nhộn nhịp xe cộ vào ra, nguyên vật liệu chảy về, hàng hoá xuất đi các nơi không ngớt. Ngoài may màn tuyn ra, còn nhiều nghề khác như cơ khí, sản xuất bàn ghế nhựa, bàn ghế inox, đúc tượng, sản xuất đồ gỗ, sản xuất bếp đun trấu, v.v… Nghề cơ khí như công ty của anh Đăng Huấn chuyên sản xuất các loại giá đỡ như giá đỡ ti vi, loa thùng, chân để tủ lạnh, máy giặt…tổng số đến trên chục loại sản phẩm với trên 30 công nhân tay nghề khá. Hàng cơ khí của anh Huấn xuất đi tiêu thụ khắp trong nước. Xưởng của vợ chồng anh chị Tuất- Huyền chuyên sản xuất chân bàn ghế phát triển rất mạnh, nhà xưởng ngày càng được mở rộng, lương công nhân ngày càng được cải thiện. Xưởng Thuyết- Yến chuyên sản xuất bàn ghế inox trông chẳng kém gì bàn ghế inox Xuân Hoà. Xưởng của các anh Phú- Hiếu- Đỗ chuyên cuốn ống sắt các cỡ cung cấp cho thị trường. Anh Đặng Văn Bốn cũng ở thôn Phú Đôi có xưởng đúc tượng bằng chất nhựa với các loại sản phẩm lọ hoa, tượng người, ngựa… được sơn màu đẹp mắt. Anh Huỳnh ở thôn Văn Hội thì chuyên sản xuất khung để mắc màn tuyn. Anh Nguyễn Ngọc Anh thì chuyên sửa chữa đồ điện dân dụng. Tại Tạ Xá, Anh Phạm Văn Tình lại đi vào sản xuất kinh doanh một thứ mà ít người làm, đó là thu gom và tái chế nhựa phế thải cung cấp cho các cơ sở sản xuất đồ nhựa ở Hà Nội, Hưng Yên, thế mà cũng thu hút hàng chục người làm có việc thường xuyên, người lao động có thêm thu nhập và anh chị cũng nên cơ đồ! Anh Phạm Văn Cường mở xưởng sản xuất đồ gỗ cao cấp thường xuyên có hàng xuất bán vào tận miền Nam. Ngpài ra, còn nhiều nghề khác nữa, như sản xuất bếp đun trấu, nghề làm đồ gỗ sản xuất giường, tủ, bàn ghế, đục chạm gỗ, khàm trai, và những phụ nữ sức yếu, có tuổi thì đan lưới, xâu lưới tuy thu nhập không cao nhưng có việc làm. Hướng về lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống lần thứ ba của huyện Phú Xuyên năm nay, Đại Thắng sẽ có một gian hàng sản phẩm chăn- ga- gối- đệm- màn tuyn của công ty dệt may Hồng Hải do anh Lã Văn Chiu là giám đốc sẽ đóng góp một bông hoa đẹp vào vườn hoa làng nghề của huyện Phú Xuyên.
…Phải nói rằng từ ngày đổi mới đến nay, ngoài sản xuất nông nghiệp là cái gốc, ở Đại Thắng ngành nghề tiểu- thủ công nghiệp phát triẩn khá mạnh, nở rộ như hoa mùa xuân. Cho đến nay, ở Đại Thắng đã có 8 doanh nghiệp có tên tuổi, 90 cơ sở sản suất- kinh doanh. Có đến 80% số hộ có việc làm. Mảnh đất đồng chiêm trũng Đại Thắng đang ngày càng thay da đổi thịt. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở Đại Thắng vẫn được coi trọng, vẫn được coi là cái gốc. Bởi thế, những năm gần đây trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Đại Thắng vẫn chủ trọng dồn ô đổi thửa vào loại sớm, đưa giống lúa hàng hoá chất lượng cao vào sản xuất, là xã đi đầu trong việc làm mạ trên khay, cấy lúa bằng máy đạt hiệu quả tốt…
Về Đại Thắng hôm nay, ta thấy làng quê phong quang sạch đẹp với những con đường bê tông len lỏi khắp các ngõ xóm và chạy dài ra các cánh đồng lúa xanh, chạy liên thôn liên xã. Xe máy, xe ô tô ra vào nhộn nhịp. Bây giờ thu nhập và sống bằng nghề sản xuất tiểu- thủ công nghiệp chiếm tới 70%, còn lại 30% thu nhập từ nông nghiệp. Cánh đồng lúa xanh mướt mát. Nhà cửa khang trang với nhưng ngôi nhà nhiều tầng mọc lên san sát. Người Đại Thắng vốn cần cù chịu khó, hay lam hay làm, luôn tìm tòi học hỏi và tiếp thu nhanh những cái mới, biết tìm việc làm, tìm nghề để cuộc sống kinh tế ngày càng nâng cao, đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, cuộc sống tinh thần- văn hoá ngày càng phong phú. Trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới, xã được cấp trên quan tâm đã xây dựng quy hoạch điểm công nghiệp, tiểu- thủ công nghiệp- làng nghề tập trung rộng 30 ha nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển ngành nghề của xã, tạo đà cho ngành nghề mở rộng và phát triển hơn nữa, đưa quê hương Đại Thắng trở thành một xã giầu mạnh, văn minh.
MỘT SỐ SẢN PHẨM CỦA LÀNG NGHỀ XÃ ĐẠI THẮNG:

 

 

Chăn ga – gối đệm – màn tuyn Hồng Hải
Nghề cơ khí – sản xuất bàn ghế inox
Mặt hàng giá đỡ của công ty Đăng Huấn
Nghề đúc tượng bằng chất nhựa
Sản xuất đồ gỗ cao cấp
Nguồn Sưu tầm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Số điện thoại
093.463.7798